Cập nhật lúc 05/07/2022 - 02:32 pm
Phương pháp kiểm toán ngoài chứng từ (kiểm kê) là một công cụ kiểm toán tối ưu để tạo ra bằng chứng trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính, khắc phục những nhược điểm của kiểm toán chứng từ trong trường hợp đơn vị được kiểm toán lập báo cáo tài chính chưa phù hợp để hợp thức số liệu.
Các bước thực hiện công việc chứng kiến kiểm kê của kiểm toán viên được liệt kê các nội dung chính như sau.
Nhận thông tin kiểm kê từ khách hàng kiểm toán #
Gần đến ngày kết thúc niên độ tài chính, doanh nghiệp sẽ gửi cho kiểm toán viên (KTV) của họ kế hoạch kiểm kê và danh mục tài sản kiểm kê chi tiết.
Căn cứ theo các thông tin nhận được, kiểm toán viên thực hiện chuẩn bị hồ sơ liên quan đến nội dung kiểm kê, lập báo cáo chứng kiến kiểm kê, đánh giá tính trọng yếu và lựa chọn mẫu kiểm kê tại doanh nghiệp.
Tham gia chứng kiến kiểm kê #
Kiểm toán viên (KTV) sẽ tham gia chứng kiến kiểm kê tại doanh nghiệp sau khi nhận được lịch kiểm kê do doanh nghiệp cung cấp. Lưu ý là KTV chỉ chứng kiến kiểm kê chứ không thực hiện công việc kiểm đếm cho doanh nghiệp.
Chứng kiến là việc người đó tham dự, quan sát, nhìn thấy và công nhận sự việc xảy ra bằng sự có mặt của mình. Chứng kiến kiểm kê là người tham dự buổi kiểm kê quan sát công tác kiểm đếm tài sản và ghi nhận việc tổ chức, thực hiện kiểm kê, kết quả kiểm kê.
Kiểm kê là hành động kiểm lại từng cái, từng món để xác định số lượng hiện có và tình trạng chất lượng của đối tượng được kiểm kê. Công tác tổ chức và thực hiện kiểm kê thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp được quy định rõ trong Luật Kế toán.
Đối với từng địa điểm KTV tham gia chứng kiến kiểm kê, KTV phải quan sát, ghi chép lại các thủ tục kiểm kê đã được khách hàng thực hiện cũng như thủ tục của KTV thực hiện để đảm bảo việc kiểm kê là đáng tin cậy, đặc biệt là đối với các khoản mục thành phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang.
Tiến hành các thủ tục kiểm toán cần thiết đối với khoản mục tài sản được kiểm kê #
KTV lựa chọn các khoản mục có giá trị cao từ danh mục tài sản kiểm kê/các phiếu kiểm kê và kiểm tra tới khoản mục cần kiểm kê được lựa chọn. Thực hiện kiểm kê và đối chiếu với số lượng trên danh mục tài sản/phiếu kiểm kê.
Ngoài ra, KTV còn lựa chọn ngẫu nhiên các khoản mục hiện vật tại địa điểm kiểm kê. Thực hiện kiểm kê hiện vật và đối chiếu với số lượng trên danh mục tài sản/phiếu kiểm kê. Thu thập các bản sao hoặc ghi chép chi tiết các tài liệu liên quan đến tính đúng kỳ tại mỗi địa điểm kiểm kê như các phiếu xuất kho cuối cùng (GDN), phiếu nhập kho cuối cùng (GRN).
Quan sát các khoản mục có tài sản bị hư hỏng, lỗi thời hoặc chậm luân chuyển được phát hiện trong quá trình kiểm kê và đảm bảo các khoản dự phòng đã được trích lập phù hợp, hoặc các khoản mục đó đã được loại trừ trong danh mục tài sản cuối kỳ.
Kết thúc kiểm kê, các chênh lệch phát hiện trong quá trình kiểm kê do doanh nghiệp chịu trách nhiệm giải trình, và trình bày vào báo cáo kết quả kiểm kê gửi cho các bên.
Kiểm kê là một phương pháp kiểm toán ngoài chứng từ rất có cơ sở thực tế và rất phù hợp với chức năng của kiểm toán là thông qua thực tế để khẳng định số liệu trên sổ sách. Do đó trong kiểm toán phải luôn luôn gắn chặt kiểm kê vào quy trình chung cũng nhưu các thủ tục thực hiện chi tiết tại các khoản mục có liên quan.
Để nắm rõ hơn các bước cần chuẩn bị cho kiểm kê cuối năm tài chính, bạn có thể tham khảo bài viết về “Kiểm kê tài sản cuối năm tài chính, những điều doanh nghiệp cần lưu ý” của EXPERTIS.