Cập nhật lúc 30/06/2022 - 03:42 pm
Phạm vi áp dụng
01. Chuẩn mực kiểm toán này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) trong việc đưa ra các thông tin bổ sung trong báo cáo kiểm toán khi kiểm toán viên xét thấy cần phải:
(a) Thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với các vấn đề được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính mà các vấn đề đó là đặc biệt quan trọng để người sử dụng hiểu được báo cáo tài chính; hoặc
(b) Thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với các vấn đề khác, ngoài các vấn đề được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, mà các vấn đề khác đó là thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán, về trách nhiệm của kiểm toán viên hoặc về báo cáo kiểm toán.
02. Phụ lục 01 và 02 của Chuẩn mực này cung cấp danh sách các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam khác có quy định cụ thể về việc kiểm toán viên phải bổ sung đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc “Vấn đề khác” vào báo cáo kiểm toán. Trong các trường hợp đó, kiểm toán viên phải áp dụng các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này liên quan đến hình thức và vị trí các đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc “Vấn đề khác”.
03. Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong quá trình kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán trong trường hợp có đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc “Vấn đề khác” để công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán cần phải có các hiểu biết cần thiết về nguyên tắc và thủ tục lập báo cáo kiểm toán theo quy định và hướng dẫn trong Chuẩn mực này để sử dụng đúng đắn kết quả kiểm toán.
Mục tiêu
04. Mục tiêu của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, sau khi đã hình thành ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính, là thu hút sự chú ý của người sử dụng (khi kiểm toán viên xét thấy cần thiết) đối với các vấn đề sau, bằng cách bổ sung các thông tin rõ ràng vào báo cáo kiểm toán:
(a) Một vấn đề đặc biệt quan trọng để người sử dụng hiểu được báo cáo tài chính, mặc dù vấn đề đó đã được trình bày hoặc thuyết minh phù hợp trong báo cáo tài chính; hoặc
(b) Bất kỳ vấn đề nào khác (nếu phù hợp) mà vấn đề khác đó là thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán, về trách nhiệm của kiểm toán viên hoặc về báo cáo kiểm toán.
Nội dung chuẩn mực
– Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” trong báo cáo kiểm toán.
– Đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán.
– Trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán.
Hướng dẫn áp dụng
01. Khi thực hiện Chuẩn mực này cần tham khảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200.
02. Các trường hợp có thể cần trình bày đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” và cách trình bày đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” trong báo cáo kiểm toán.
03. Các trường hợp có thể cần trình bày đoạn “Vấn đề khác” và cách trình bày đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán.
04. Trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán
Lưu ý khi việc trình bày đoạn “Vấn đề khác” về một vấn đề cụ thể trong báo cáo kiểm toán được lặp lại trong cuộc kiểm toán tiếp theo, kiểm toán viên có thể không cần phải trao đổi lại với Ban quản trị về vấn đề đó trong cuộc kiểm toán sau.
05. Phụ lục 1
Danh sách các chuẩn mực kiểm toán VN khác có quy định về đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” (lưu ý danh sách này không thay thế cho các quy định và hướng dẫn cụ thể trong các chuẩn mực kiểm toán VN khác):
(1) Đoạn 19(b) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210;
(2) Đoạn 12(b) và đoạn 16 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 560;
(3) Đoạn 19 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 570;
(4) Đoạn 14 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 800.
06. Phụ lục 2
Danh sách các chuẩn mực kiểm toán VN khác có quy định về đoạn “Vấn đề khác” (lưu ý danh sách này không thay thế cho các quy định và hướng dẫn cụ thể trong các chuẩn mực kiểm toán VN khác):
(1) Đoạn 12(b) và đoạn 16 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 560;
(2) Đoạn 13 – 14, 16 – 17 và đoạn 19 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 710;
(3) Đoạn 10(a) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 720.
Xem toàn văn bản chuẩn mực kiểm toán số 706