Cập nhật lúc 18/07/2022 - 10:46 am
Các ngân hàng phải thực hiện cung cấp dữ liệu tài khoản, thông tin tài khoản giao dịch như số dư, số liệu giao dịch…của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan Thuế. Và phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế.
Cơ sở cho sự hình thành quy định cung cấp dữ liệu tài khoản #
Theo Báo cáo Cải thiện tiếp cận thông tin cho mục đích thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2020, việc không đủ khả năng tiếp cận thông tin ngân hàng là một trở ngại đối với việc quản lý thuế và thực thi pháp luật. Theo công bố của tổ chức Mạng lưới pháp lý thuế quan (TJN) ngày 20/11/2020, mỗi năm, các quốc gia đang mất tổng cộng hơn 427 tỷ USD tiền thuế do tình trạng lạm dụng thuế doanh nghiệp quốc tế và trốn thuế tư nhân.
Việc thiếu khả năng tiếp cận thông tin ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch rửa tiền đạt được những thành công thông qua việc xử lý số tiền thu được từ tội phạm ngụy tạo nguồn gốc bất hợp pháp qua hệ thống ngân hàng. Điều này cũng thúc đẩy sự bất bình đẳng về thuế giữa những người nộp thuế tuân thủ luật thuế và những người tìm cách tránh thuế, trốn thuế.
Hơn nữa, nếu cơ quan thuế không có quyền yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu từ thuế. Thiếu tiếp cận thông tin ngân hàng có thể làm tăng chi phí quản lý thuế và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.
Việc từ chối cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế cũng có thể dẫn đến việc không tuân thủ thuế một cách tự nguyện, nhất là khi ngày càng có nhiều cá nhân nhận thu nhập từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, Yahoo, Youtube hoặc kinh doanh thương mại điện tử qua các sàn thương mại điện tử như: Amazon, Lazada, Tiki, Shopee,… Doanh thu của các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bán hàng trực tuyến có thể sẽ không được khai báo hoặc khai báo không đúng với thực tế, các dữ liệu giao dịch có thể bị sửa đổi hoặc xóa bỏ sau khi thực hiện. Trốn thuế đang diễn ra phổ biến trên tất cả các lĩnh vực, gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
Quy định ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản tổ chức, cá nhân cho cơ quan Thuế #
Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12/2021 có quy định mới về trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin tài khoản người nộp thuế cho cơ quan thuế để thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế.
Điều 30. Nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
“2. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế như sau:
a) Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
b) Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo điểm a khoản này được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.
c) Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
d) Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.”
Theo đó, các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế. Việc này phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp… Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin.
Không chỉ vậy, hằng tháng, ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Hồi tháng 10 năm 2021, Vụ trưởng Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết đã kết hợp, yêu cầu 45 ngân hàng thương mại cung cấp thông tin để ngành có dữ liệu quản lý thuế. Theo dữ liệu các ngân hàng cung cấp, chỉ riêng tại Hà Nội đã có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân có hoạt động bán hàng online với tổng thu nhập 1.462 tỷ đồng từ Google, Facebook, Youtube… Qua đó, cơ quan thuế đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, kê khai nộp thuế và truy thu gần 14 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài có cơ sở thường trú ở Việt Nam kinh doanh thương mại điện tử, trên các nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước.
Cụ thể, sau khi xác định nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.
Nếu cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ hoặc các hình thức ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay, các đơn vị này có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài gửi về Tổng cục Thuế hàng tháng.
Ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân kinh doanh ra sao #
- Bảo mật thông tin, tiết lộ các vấn đề riêng tư: Nhiều tổ chức, cá nhân rất lo lắng về việc các thông tin trong tài khoản bị lộ ra ngoài. Đặc biệt là các thông tin bí mật về hoạt động kinh doanh, cũng như các thông tin khác có lợi cho đối thủ cạnh tranh, khi tài khoản được cung cấp cho cơ quan Thuế mà chưa có sự đồng ý của chủ tài khoản.
- Giải trình các giao dịch không có trong sổ sách nhưng lại thể hiện trong sổ phụ, sao kê ngân hàng: Sự khác biệt về các giao dịch trong sổ phụ ngân hang và sổ sách kế toán khi cơ quan thuế đối chiếu hồ sơ, sẽ đưa đến việc tổ chức, cá nhân cần giải trình lý do cho các khác biệt đó.
- Khó hoặc không giải trình phù hợp vì sao dữ liệu liên quan giao dịch mua bán của cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh trong tài khoản khác với kê khai nộp thuế: Việc phát sinh quá nhiều giao dịch trong một hoặc nhiều tài khoản ngân hang, cũng như việc sổ sách kế toán không phản ánh kịp toàn bộ phát sinh vào báo cáo sẽ gây đến sựu khó theo dõi, quản lý cũng như nhớ để giải trình chi tiết từng khác biệt.
- Truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phạt chậm nộp từ việc kê khai thiếu doanh thu chịu thuế: Khi không giải trình được, tổ chức, cá nhân phải chịu ấn định thuế, đồng nghĩa với phải phát sinh them các khoản thuế phải nộp và các khoản phạt kèm theo.
- Bị phong tỏa tài khoản giao dịch nhằm thực hiện cưỡng chế theo yêu cầu của cơ quan Thuế.
- Ảnh hưởng uy tín và hình ảnh cá nhân, tổ chức đang kinh doanh: Ngân hang sẽ thực hiện phong tỏa tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện việc truy thu thuế theo yêu cầu của cơ quan Thuế sau khi phát hiện các sai phạm.
- Khó khăn về hoạt động kinh doanh khi có sự chú ý của hai cơ quan trên: Khi có các dấu hiệu về kê khai thiếu doanh thu, thiếu thuế, cũng như các bất thường về giao dịch trong sổ phụ ngân hang, tổ chức, cá nhân có khả năng bị cơ quan thuế chú ý cao trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sau này.
Giải pháp nào cho doanh nghiêp trước tình hình hiện nay #
- Nắm rõ và tìm hiểu cặn kẽ các quy định hiện hành đang ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhất là kinh doanh online, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
- Thường xuyên kiểm tra, đối chiếu số liệu giao dịch qua các tài khoản ngân hàng và sổ sách kế toán để phát hiện có hay không sự khác biệt.
- Thực hiện xây dựng lại cách thức hạch toán sổ sách để phù hợp với yêu cầu của quy định hiện hành.
- Xác định các vấn đề đang tồn tại chưa phù hợp với quy định, dẫn đến các rủi ro cho doanh nghiệp có thể gặp trong tương lai, từ đó thực hiện điều chỉnh, kê khai, nộp thuế bổ sung nếu có.
- Kiểm tra, đối soát các khoản thu chi liên quan đến doanh thu (kể cả bằng tiền mặt) qua các kênh kinh doanh nhằm tránh kê khai thiếu doanh thu bán hàng.
- Thu thập đầy đủ các chứng từ khi có giao dịch với nhà thầu nước ngoài làm bằng chứng cho chi phí trong kỳ, tránh bị loại trừ khi tính thuế.
EXPERTIS làm được gì cho doanh nghiệp #
Là chuyên gia trong lĩnh vực về thuế – kế toán, với hơn 18 năm kinh nghiệm, chúng tôi hiểu rõ các tác động từ quy định của pháp luật ảnh hưởng cụ thể ra sao đối với từng doanh nghiệp. Từ đó, chúng tôi thực hiện tư vấn, giải đáp vướng mắc cũng như cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Với mục tiêu chất lượng dịch vụ được đưa lên hàng, chúng tôi trở thành người đồng hành với rất nhiều doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển .
Để được tư vấn chi tiết về dịch vụ chúng tôi cung cấp, vui lòng liên hệ với Bộ phận Tư vấn của EXPERTIS để được hỗ trợ sớm nhất.