Search
Close this search box.

Đối thủ “nặng ký” của Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Đông Nam Á với kinh tế phát triển nhanh, chính trị ổn định, dân số trẻ và chi phí nhân công cạnh tranh. Tuy nhiên, theo góc nhìn của các chuyên gia Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bằng chứng là hiện nay, nhiều nước Đông Nam Á khác cũng tăng tốc quyết liệt để thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển, trong đó có Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia.
Indonesia  là đối thủ đáng gờm nhất của Việt Nam nếu không xét đến tiêu chí Cơ sở hạ tầng Theo phân tích của Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Indonesia đang có nhiều lợi thế khi dân số là 250 triệu dân, tạo ra lượng nhân công cạnh tranh, số lượng lớn. Mặt khác, số lượng người trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Indonesia cũng cao hơn Việt Nam rất nhiều, là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng. Ngoài ra, Indonesia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú khi có nhiều loại khoáng sản như than, dầu mỏ. Nước này cũng có diện tích rừng rậm nhiệt đới lớn. Chính phủ Indonesia cũng rất cởi mở trong việc thu hút đầu tư, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nước ngoài. GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho biết thêm,  Indonesia là một trong những nước đang có động thái mạnh mẽ nhất nhằm tiếp cận dòng vốn FDI dịch chuyển. Hồi tháng 5, Tổng thống Joko Widodo đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ chuyển dây chuyền sang quốc gia vạn đảo.

Indonesia cũng đưa ra các ưu đãi lớn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Nước này đã lên kế hoạch xây dựng 27 khu công nghiệp mới, trong đó có dự án chuẩn bị 5.000 ha đất tại tỉnh Trung Java, mời gọi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ Indonesia cũng đặt mục tiêu giảm dần thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20% vào năm 2023.

Tuy nhiên, ông Hong Sun đánh giá cơ sở hạ tầng của Indonesia lại phức tạp do đất nước này chia cắt bởi quá nhiều hòn đảo. Một số nơi khá phát triển, nhưng một số nơi thì lại lạc hậu. Ngược lại, ông đánh giá Việt Nam có hạ tầng phát triển đều hơn. Xét về tiêu chí nơi có cộng đồng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhất thì Thái Lan là đối thủ “nặng ký” của Việt Nam Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định: Nếu so sánh về chi phí về nhân lực, hiện nay, Indonesia và Philippines có mức tương đồng với Việt Nam. Nếu xét theo tiêu chí này thì 2 quốc gia trên sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất. Nếu xét tiêu chí nhân công vừa rẻ, hạ tầng vừa tốt thì Lào và Campuchia sẽ được đặt lên bàn cân. Tuy nhiên, Lào và Campuchia có nhân công rẻ hơn nhưng hạ tầng không tốt bằng Việt Nam. Còn nếu doanh nghiệp Nhật Bản chọn một nơi đã đầu tư nhiều thì Thái Lan sẽ là đối thủ đáng gờm của Việt Nam.  Thái Lan ưu tiên chọn những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao để thu hút đầu tư như hàng không vũ trụ, thiết bị y tế, ôtô điện, hoặc các loại phụ tùng và linh kiện chất lượng cao… Chiến lược thu hút đầu tư “táo bạo” của Philippines và Malaysia

Philippines chọn cách giảm thuế. Nước này nhanh chóng cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện cao nhất Đông Nam Á với mức 30%) xuống còn 25% ngay trong tháng 7.

Chính phủ Malaysia thậm chí lên kế hoạch cử đại diện đi vận động khoảng 60 công ty đa quốc gia mở nhà máy tại Malaysia. Nước này thông qua gói hỗ trợ 240 triệu USD trong 5 năm, trong đó chú trọng giảm thuế và hỗ trợ tài chính.

Ông Takeo Nakajima cho biết, có nhiều góc độ để đánh giá sự hấp dẫn của một quốc gia với doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi quyết định đầu tư tại một quốc gia nào đó sẽ đánh giá tổng thể các yếu tố. Tuy vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đánh giá rất cao Việt Nam. Bằng chứng là trong số 30 doanh nghiệp được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì có tới 15 chọn Việt Nam. Ông chia sẻ thêm, Việt Nam sẽ là một trong những nơi có môi trường kinh doanh tốt không chỉ trong ngắn hạn và còn dài hạn. Việt Nam đang và sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt trong cuộc đua thu hút vốn. Một số nước ASEAN đã sốc khi 15/30 doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam, điều đó sẽ làm cho các quốc gia khác nỗ lực hơn và cuộc cạnh tranh hứa hẹn sẽ khốc liệt hơn.
Cải thiện cơ sở hạ tầng, nới lỏng các yêu cầu đầu tư Bàn về chiến lược thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Ông Hong Sun cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục cải thiện về hạ tầng, tạo sự thông thoáng về chính sách. Điều này sẽ giúp thu hút được nhiều hơn các doanh nghiệp đến đầu tư, làm ăn, kinh doanh. Ông Takeo Nakajima bổ sung thêm, về thể chế và các chính sách, Chính phủ Việt Nam cần lắng nghe ý kiến doanh nghiệp hơn nữa, để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng Ông Takeo Nakajima đánh giá việc Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 là một lợi thế và giúp các doanh nghiệp có thể khôi phục sản xuất. Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân sẽ là thị trường hấp dẫn trong hiện tại và tương lai. Chi phí nhân công ở Việt Nam cũng khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Sự hấp dẫn của Việt Nam so với các nước ASEAN khác là tỷ lệ người nói được tiếng Nhật rất cao, vượt trội hơn các nước khác. Do đó, các doanh nghiệp Nhật sẽ coi đây là lợi thế “mềm” để đến đầu tư. Để hấp dẫn hơn, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho rằng cần nâng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam lên bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Song song với đó cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.